Awesome Image

Đa dạng hóa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu

Thiếu vắng các đơn hàng xuất khẩu cộng thêm xu hướng giảm của giá hàng hóa đã khiến hoạt động thương mại của nước ta tiếp tục chậm lại trong những tháng đầu năm 2023…

Xuất khẩu thuỷ sản 2 tháng đầu năm giảm đáng kể
Xuất khẩu thuỷ sản 2 tháng đầu năm giảm đáng kể

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 2/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt 25,88 tỷ USD, tăng 9,8% so với tháng 1/2023. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,08 tỷ USD, tăng 11,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19,8 tỷ USD, tăng 9,3%.

KIM NGẠCH GIẢM, GIÁ GIẢM

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 02/2023 tăng 11%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 5,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 12,7%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 96 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó xuất khẩu hàng hoá ước đạt 49,49 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước giảm gần 21,1%, đạt 11,52 tỷ USD; khối doanh nghiệp FDI (bao gồm dầu thô) giảm 6,6%, đạt 37,92 tỷ USD. Nhập khẩu 2 tháng giảm 16%, đạt 46,62 tỷ USD.

Trong hai tháng đầu năm 2023 có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 69,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 3 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 45,9%).

Giá hàng hóa xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm ghi nhận sự sụt giảm ở hầu hết mặt hàng đã góp phần giảm tăng trưởng xuất khẩu chung. Giá xuất khẩu bình quân các mặt hàng nông sản như nhân điều, cà phê, sắn và sản phẩm từ sắn giảm lần lượt là 3,7%, 1,7% và 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái (giá hạt tiêu giảm tới 31,4%, cao su giảm 20,6%).

Giá các mặt hàng công nghiệp chế biến cũng giảm khá mạnh như phân bón giảm 25,5%, chất dẻo nguyên liệu giảm 24,8%, sắt thép giảm 32%. Tuy nhiên, giá một số mặt hàng như gạo, xăng dầu, than đá, chè có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu điều giảm mạnh những tháng đầu năm 2023.
Xuất khẩu điều giảm mạnh những tháng đầu năm 2023.

Xuất khẩu của nhiều mặt hàng nhóm “tỷ USD” giảm khá mạnh so với cùng kỳ như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 6,87 tỷ USD, giảm 13,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước đạt 6,4 tỷ USD, giảm 1,6%; hàng dệt may ước đạt 4,55 tỷ USD, giảm 19,6%; giày dép các loại ước đạt 2,76 tỷ USD, giảm 15,8%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 34,8%…

Đối với thị trường xuất khẩu, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam tới hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Mặc dù Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 13,1 tỷ USD nhưng giảm 21% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu sang EU đạt 6,9 tỷ USD, giảm 4,2%. Với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, Hoa Kỳ, EU sẽ tiếp tục giảm nhu cầu nhập khẩu do những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp. Dù được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp chuẩn, yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ… mà phía EU đặt ra là những vấn đề không dễ vượt qua.

Kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN đạt 4,6 tỷ USD, giảm 8%; Hàn Quốc đạt 3,5 tỷ USD, giảm 5,7%; Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, giảm 5,9%… Nguồn cung dồi dào, lượng hàng tồn kho cao tại các thị trường đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc dẫn đến xu hướng các đơn hàng chậm lại và mức giá xuất khẩu gỗ nguyên liệu giảm. Thị trường Trung Quốc dù đã mở cửa trở lại nhưng chuỗi cung ứng nội địa chưa hoàn toàn hồi phục, ẩn chứa nhiều rủi ro.

Các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Anh… có xu hướng giảm lượng tồn kho để tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn trước.

Riêng đối với thị trường Trung Quốc, với chính sách mở cửa trở lại từ đầu năm 2023 sau gần ba năm thực hiện chính sách “Zero Covid” đã tác động tích cực đến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm đạt 8,2 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRUYỀN THỐNG VÀ ĐA DẠNG HÓA THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), xuất khẩu của các ngành hàng thực sự khó khăn do sức mua trên toàn thế giới giảm. Số đơn hàng giảm trên 60%, chỉ bằng 1/3 so với các năm trước. Như mọi năm đa số các đơn hàng ký từ đầu năm cho đến cuối thu nhưng năm nay chỉ nhận được đơn hàng 6 tháng đầu năm, đặc biệt số đơn hàng lớn rất ít.

Nguyên nhân do kinh tế suy thoái chưa có dấu hiệu phục hồi, nhiều thị trường lớn khó khăn, tâm lý người tiêu dùng tập trung vào mua hàng hoá thiết yếu…

Tuy nhiên, nhiều dự báo cho rằng năm 2023 kinh tế thế giới sẽ không rơi vào suy thoái nặng nề. Một số nền kinh tế lớn sẽ hạ cánh mềm. Những tháng cuối năm 2023 kinh tế thế giới sẽ đi vào hồi phục và sẽ đạt mức tăng trưởng khả quan. Khi đó sức mua, thương mại quốc tế sẽ sôi động hơn. Để đón đầu theo ông Phú, cần theo dõi chặt chẽ những diễn biến mới trên thế giới thông qua các tham tán, thương vụ.

Đồng tình, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đánh giá rằng trong 2 tháng đầu năm có một số nhóm hàng sụt giảm đáng kể như thuỷ sản, hạt điều, cà phê, gạo, cao su… xu hướng này chưa thể sớm chấm dứt khi xung đột Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại. Vì thế, cần tìm giải pháp tháo gỡ, phối hợp hành động cả đơn vị trong và ngoài nước. Thời gian tới cần có kế hoạch xúc tiến xuất khẩu mang tính tổng thể hơn.

Cũng theo Bộ Công Thương, cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường/ngành hàng truyển thống. Cụ thể, phát triển các thị trường khu vực bắc Âu, đông Âu, Mỹ La Tinh tuy nhỏ nhưng đang có tốc độ tăng trưởng cao và còn nhiều dư địa khai thác. Tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực Asean và một số nước châu Á để đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Đặng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ, chia sẻ rằng chè xuất khẩu đi Nga bị đình trệ hoàn toàn, thậm chí có container hàng đã đến cảng chuẩn bị vận chuyển phải quay về do ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine. Sau khi hoạt động vận chuyển được mở lại, doanh nghiệp lại gặp trục trặc về thanh toán.

Trước những khó khăn trên, để gỡ khó đầu ra cho cây chè, năm 2023, Phú Thọ xác định đưa chè và chuối xuất khẩu sang một số thị trường, trong đó mục tiêu lớn nhất là Bangladesh, do thị trường Bangladesh có 160 triệu dân, nhu cầu tiêu dùng rất lớn.

Do đó, ông Phương mong muốn các thương vụ, tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ giới thiệu sản phẩm chè của địa phương nói riêng, của vùng Đông Bắc nói chung.

Đồng thời, mời đại diện Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài như Ấn Độ, Nga, Irac, Ả rập Xê Út… tham dự hội nghị chuyên đề về xuất khẩu chè, dự kiến tổ chức ngày 24/4/2023 do tỉnh đăng cai.

Nguồn: Báo VnEconomy – Vũ Khuê