Awesome Image

Tháo gỡ rào cản hành chính, “thông đường” cho xuất khẩu

Hàng loạt những khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu vẫn khiến các doanh nghiệp đau đầu, thậm chí, không quy trình, thủ tục nào được doanh nghiệp đánh giá dễ thực hiện. Do vậy, đòi hỏi cần có phương án tháo gỡ…

Thời gian kiểm tra thông quan vẫn còn chậm
Thời gian kiểm tra thông quan vẫn còn chậm

Tại Hội nghị đối thoại “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu khu vực 4 tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên)” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhiều doanh nghiệp đã nói lên những rào cản trong việc tuân thủ các thủ tục hành chính xuất nhập khẩu khiến doanh nghiệp mất đi rất nhiều cơ hội kinh doanh.

Đại diện cho trên 350 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bà Lương Thu Hương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hải Dương, cho biết các doanh nghiệp rất mệt mỏi với kiểm tra chuyên ngành. Thủ tục kiểm tra chưa nhanh gọn, cập nhật thông tin chưa đồng bộ. Dù đã khai quan, thông quan điện tử nhưng đến điểm chốt cuối cùng lại phải mang tờ khai đóng dấu để nộp. Hơn nữa, đã nộp thuế qua online, nhưng phải chụp bản nộp cho cơ quan hải quan.

THỦ TỤC VẪN RỐI “NHƯ TƠ VÒ”

Bên cạnh đó, thời gian kiểm tra thông quan vẫn còn chậm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt là nông sản. Các thủ tục hành chính còn nhiều điểm chưa có sự thống nhất đồng bộ giữa các bộ ngành, cơ quan. Dịch vụ logistics chưa có chuỗi toàn diện như cảng biển, kho tàng, bến bãi nên còn phức tạp, chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, hàng phải bảo quản lạnh chưa có chỗ chứa ở khu vực cảng. Trên các cửa khẩu sang Trung Quốc thường xảy ra ùn tắc hàng hóa trong khi chưa đầu tư xây dựng kho lạnh.

Thêm nữa, chi phí cho lao động tại cảng, giao thông nội địa cao gần gấp đôi so với chi phí cảng biển. Lãi suất vay tăng cao, tỷ giá biến động trong biên độ cao. Hóa đơn đầu vào của các mặt hàng nông dân sản xuất chưa có nên khó khăn cho việc hạch toán chi phí…

Hiện nay, Nhà nước đang thả lỏng khung giá các loại phí. Nguồn nhân lực làm việc trong các doanh nghiệp đa số chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này, trong khi lái xe cũng cần phải đào tạo những kiến thức cơ bản trong quá trình vận chuyển, giao nhận hàng,…

Một khó khăn nữa là, chưa có nhiều các khóa học theo chuyên đề cho các doanh nghiệp có nhu cầu kế hoạch xuất khẩu hàng hóa. Cụ thể như: hướng dẫn qui trình cơ bản nhất trong quá trình tìm hiểu thị trường, văn hóa địa phương, các thủ tục hành chính.

Mặc dù các doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu qua các trang mạng, tài liệu, nhưng vẫn rất cần có các khóa học chuyên đề. Doanh nghiệp chưa nắm bắt được về những thuận lợi khó khăn trong việc thực hiện các hiệp định thương mại đã được thực thi.

Là doanh nghiệp xuất khẩu cá rô đồng chế biến sẵn, bà Bùi Thị Khánh, Giám đốc Công ty Khánh Thọ, cho biết doanh nghiệp đang rất thiếu thông tin về tiêu chuẩn chất lượng, quy định, rào cản của các thị trường nhập khẩu.

Những khó khăn này được minh chứng qua khảo sát định kỳ doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu của VCCI. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, khoảng 38% doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính, đặc biệt với các doanh nghiệp FDI (44,3%) và doanh nghiệp quy mô lớn (50 tỷ đồng và trên 300 tỷ đồng).

Hiện còn thiếu vắng phương thức cung cấp thông tin toàn diện, tập trung, dễ hiểu và dễ sử dụng. Các bộ, ngành thường có hạ tầng thông tin riêng để phổ biến thông tin, nhưng mỗi bộ ngành lại chỉ tập trung vào mảng thông tin chuyên ngành trong lĩnh vực mình quản lý.

Bên cạnh đó, năng lực phổ biến thông tin không đồng đều giữa các cơ quan bộ, ngành khiến việc tìm kiếm thông tin mất nhiều thời gian. Trong khi đó, hợp tác liên ngành trong phổ biến thông tin cũng thiếu hiệu quả. Doanh nghiệp phải tra cứu thông tin từ nhiều nơi, thậm chí phải trực tiếp đến cơ quan chức năng để hỏi rõ. Thậm chí, trên Cổng một cửa quốc gia doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi tra cứu thông tin và hỏi đáp giải quyết vướng mắc.

Doanh nghiệp lo ngại các quy định pháp luật về thông quan hay thay đổi. Cụ thể khi thực hiện thủ tục kiểm tra hồ sơ, doanh nghiệp thường bị yêu cầu cung cấp thông tin, giấy tờ ngoài quy định. Công chức hải quan không hướng dẫn đầy đủ, tận tình; không công khai thông tin và quy trình xử lý…

Khi thực hiện thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa, doanh nghiệp cũng gặp phải những khó khăn tương tự. Trong khi đó vẫn còn phổ biến tình trạng thời gian kiểm tra kéo dài và nội dung kiểm tra chồng chéo, trùng lặp. Ở giai đoạn trước khi khai hải quan, doanh nghiệp thường gặp trở ngại trong xác nhận mã HS và xác định trị giá hải quan ở giai đoạn khai hải quan.

Theo các doanh nghiệp, trình tự, thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp, khác biệt tùy theo bộ ngành và loại hình hàng hóa, trong khi cách hiểu và cách triển khai của các bộ lại chưa thống nhất. Danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành còn phiền hà, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đa số được thực hiện kiểm tra tập trung tại cửa khẩu nhưng vẫn có trường hợp doanh nghiệp phải tới tận các bộ ngành mới giải quyết xong. Thực tế này gây nhiều phiền toái do gia tăng chi phí, thời gian tuân thủ của doanh nghiệp.

DOANH NGHIỆP THỰC SỰ CHỈ MUỐN QUA MỘT CỬA

Để hoạt động thương mại xuyên biên giới thuận lợi và giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm thiểu khó khăn, đại diện doanh nghiệp tỉnh Hải Dương kiến nghị các bộ ngành thống nhất hướng dẫn quy định để doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực sự chỉ qua một cửa.

Đồng thời rút gọn hơn nữa thời gian kiểm tra thông quan, kiểm tra chuyên ngành, xem xét bổ sung các quy định theo các cam kết FTA. Tiếp tục cải cách hành chính để giảm thiểu thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, đặc biệt là những giấy phép điều kiện không thực sự cần thiết.

Nguồn: Báo VnEconomy – Song Hà