Awesome Image

TP.HCM cần giảm 50% phí hạ tầng đường bộ, cảng biển

Đó là đề xuất của bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM tại Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn giữa chính quyền TP.HCM và doanh nghiệp ngày 17/2.

570F348A-E050-4D92-9825-6E92ADC9957E

Bà Đặng Minh Phương đề xuất thành phố giảm chi phí hạ tầng đường bộ, cảng biển. Ảnh: SGGP

Theo đó, bà Phương cho biết, logistics là ngành lợi nhuận thấp nhất nhưng vốn đầu tư và chi phí vận hành rất cao. Trên thực tế, hạ tầng giao thông thành phố chưa tăng kịp theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế gây ùn tắc giao thông, nhất xung quanh khu vực cảng, làm phát sinh chi phí vận hành lớn cho ngành.

“Đơn cử tại cảng Cát Lái quy hoạch tiếp nhận 3 triệu TEU nhưng thực tế tiếp nhận là 5 triệu TEU, và trong xu hướng gần là lên đến 8 triệu TEU. Do vậy mà tình trạng giao thông quanh khu vực cảng luôn trong tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp logistics, giảm năng lực cạnh tranh của ngành”, bà Phương nêu thực trạng và đề xuất, để hỗ trợ doanh nghiệp ngành logistics phát triển, thành phố cần có chính sách giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Thành phố cần giảm 50% phí hạ tầng đường bộ, phí cảng biển. Về quy định PCCC, cần xem xét lại tiêu chí vì tiêu chí này đang cao hơn Mỹ. Với tiêu chí này buộc doanh nghiệp phải tăng thêm 30%/tổng chí phí xây dựng, gây ảnh hưởng rất lớn cho nội lực cạnh tranh của doanh nghiệp”, người đứng đầu Hiệp hội Logistics TP.HCM kiến nghị.

Đồng thời, thành phố cần sớm đưa vào vận hành hệ thống đường cao tốc, đường trên cao, kết hợp xây dựng đường thủy nội địa kết hợp xây dựng bến bãi, cụm cảng nhằm giảm ùn tắc giao thông, giảm chi phí vận hành cho ngành.

Theo thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), trong lĩnh vực xuất khẩu, do lạm phát tăng cao, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chính của dệt may như Mỹ, EU lên tới 6-7% nên lượng tiêu thụ giảm rõ rệt, (châu Âu đã giảm tới 60%, Mỹ giảm 30-40%), tồn kho tăng lên chiếm 20-25% dẫn đến quý 4/2022 và quý I/2023 khách hàng hạn chế hoặc không đặt đơn hàng mới.

“Cụ thể, đơn hàng cho tháng 11, 12 thiếu khoảng 35-50% năng lực hoặc có đơn hàng nhưng cạnh tranh gay gắt về giá, nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50% so với mức bình thường, thậm chí có khách hàng đưa ra chỉ bằng 40%. Hệ quả là, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất từ cuối năm 2022”, đại diện HUBA cho biết.