Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khẳng định Việt Nam đang đứng trước vô vàn cơ hội phát triển các dịch vụ logistics.
Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là nơi tập trung của các ngành sản xuất tích hợp. Nhận thấy đây là một thị trường tiềm năng, với cương vị là nhà cung cấp dịch vụ logistics tích hợp lớn nhất đến từ Đan Mạch, Maersk (một tập đoàn kinh doanh quốc tế do người Đan Mạch làm chủ) đã tăng cường vị thế của mình ở khu vực này.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông Ditlev Blicher, Giám đốc điều hành Maersk châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Sự sáp nhập giữa hai công ty đầu ngành logistics là Maersk và LF Logistics có trụ sở tại Hồng Kông diễn ra hồi tháng 8 đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng tại khu vực".
Thương vụ sáp nhập Maersk và LF Logistics diễn ra vào đúng thời điểm khó khăn đối với toàn ngành logistics khi tác động của đại dịch Covid và lạm phát toàn cầu ảnh hưởng nặng nề lên khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy vậy, Maersk vẫn có triển vọng lạc quan về tăng trưởng của ngành, đặc biệt là ở Việt Nam, quốc gia được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 39 về Chỉ số Hiệu suất Hậu cần (2018), nơi sản xuất và xuất khẩu là những động lực chính để thúc đẩy nền kinh tế.
Ông Kevin Burrell, Giám đốc điều hành khu vực của Maersk Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Lào (trái), ông Ditlev Blicher, Giám đốc điều hành Maersk châu Á - Thái Bình Dương (giữa) và Ông Hoan Đặng, Giám đốc Quản lý đơn hàng đa kênh tại Maersk Việt Nam và Campuchia (phải). |
Từ việc chỉ sở hữu một con tàu hơi nước đã qua sử dụng khi mới thành lập, công ty đã phát triển thành nhà cung cấp giải pháp hậu cần đầu- cuối đáng tin cậy, kết nối mọi nơi trên thế giới. Hiện tại, Maersk vận hành hơn 730 tàu container và 280 tuyến đường hàng không phục vụ hơn 100.000 khách hàng tại 130 quốc gia.
Được biết, đây là thương vụ M&A trị giá 3,6 tỉ USD giữa Maersk và LF Logistics. Cả hai doanh nghiệp đặt mục tiêu đưa Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng thông qua mạng lưới logistics toàn cầu vững mạnh với năng lực lưu kho, phân phối và cung ứng toàn diện được tối ưu hóa dữ liệu và hỗ trợ bởi công nghệ.
Khi thương vụ mua lại hoàn tất, khách hàng sẽ có quyền truy cập vào hệ thống nhà kho tổng hợp toàn cầu với trên 450 nhà kho trải dài hơn 6 triệu mét vuông.
Việc sáp nhập sẽ làm tăng hiệu suất và phân loại chuỗi cung ứng của khách hàng với dịch vụ hoàn tất đơn hàng đa kênh mới của LF Logistics. Điều này góp phần tạo nên cơ chế đồng nhất cho phép sự phối hợp xuyên suốt toàn doanh nghiệp.
Nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư